0969 468 619

Những điều cần lưu ý khi sử dụng thực phẩm chức năng

Ngày đăng: 11/08/2021 - 04:00 PM 792 lượt xem

Thực phẩm chức năng (TPCN) là sản phẩm được chế biến dưới nhiều dạng, nhằm mục đích bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể hay làm giảm nguy cơ bệnh. TPCN không được sử dụng cho mục đích điều trị, chẩn đoán và ngăn ngừa bệnh. Ngày càng nhiều người tin tưởng và lựa chọn sử dụng thực phẩm chức năng (TPCN). Tuy nhiên không ít người vẫn chưa biết cần lưu ý gì khi sử dụng thực phẩm chức năng? Sử dụng TPCN sao cho đúng và hiệu quả. Hãy cùng Plan Do See Việt Nam tìm hiểu bạn nhé!

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

1. Khái niệm thực phẩm chức năng

Thực phẩm chức năng là sản phẩm được chế biến dưới dạng viên nang, viên hoàn, viên nén, cao, cốm, bột, lỏng và các dạng chế biến khác có chứa một hoặc hỗn hợp của các chất bao gồm vitamin, khoáng chất, acid amin, chiết xuất từ thực vật và động vật, nhằm mục đích bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể hay làm giảm nguy cơ bệnh.

Tuy có thể giống với thuốc về hình dáng bên ngoài, thực phẩm chức năng chịu sự quản lý về tính hiệu quả và tính an toàn như là thực phẩm, không được sử dụng cho mục đích điều trị, chẩn đoán và ngăn ngừa bệnh.

Để lưu hành trên thị trường, TPCN cần chứng minh được tác dụng hỗ trợ sức khỏe, trong khi con đường của thuốc phức tạp hơn rất nhiều với các báo cáo về hiệu quả và cả tác dụng không mong muốn trên cơ thể người.

Một chế độ ăn cân bằng, đa dạng và đầy đủ các nhóm thực phẩm tự nhiên vẫn luôn là ưu tiên hàng đầu cho một cơ thể khỏe mạnh.

2. Nên sử dụng TPCN như thế nào? Những đối tượng nào khi sử dụng cần cẩn trọng

Đối với những người ăn chay trường hay bệnh nhân gặp các vấn đề về sức khỏe khiến sự hấp thu dinh dưỡng từ thức ăn không trọn vẹn hoặc khi cần tiêu thụ nhiều hơn mức dinh dưỡng thông thường, TPCN có thể hỗ trợ cải thiện sức khỏe. Một vài ví dụ về hiệu quả của TPCN như:

- Bệnh nhân loãng xương cần nhiều Calci và vitamin D hơn so với lượng cung cấp từ bữa ăn hàng ngày.

- Bệnh nhân bị hội chứng Crohn, không dung nạp gluten khiến việc hấp thụ một vài chất dinh dưỡng gặp khó khăn.

- Những người thiếu hụt vitamin B12 cần bổ sung thêm TPCN trong chế độ ăn hàng ngày.

- Sự kết hợp giữa vitamin C, vitamin E, các carotenoids, đồng và kẽm có thể làm chậm tiến triển của bệnh thoái hóa điểm vàng ở người cao tuổi.

- Acid folic có thể giúp giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh.

- Tác dụng hỗ trợ của Omega-3 đối với một số bệnh nhân tim mạch.

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THỰC PHẨM CHỨC NĂNG

Các loại vitamin. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, hiện nay các nghiên cứu khoa học về công dụng của một số thành phần trong TPCN vẫn chưa rõ ràng, đầy đủ. Ví dụ như tác dụng của Ginko biloba đối với bệnh sa sút trí tuệ, hay sự kết hợp giữa glucosamine và chrondoitine đối với bệnh viêm khớp.

Rất nhiều TPCN chứa các hoạt chất có hoạt tính sinh học mạnh, có thể gây nguy hiểm cho người dùng hoặc làm tình trạng sức khỏe của họ xấu đi hoặc thậm chí đe dọa tính mạng, đặc biệt trong trường hợp sử dụng nhiều loại TPCN cùng lúc, sử dụng chung với thuốc (kê đơn hay không kê đơn), thay thế thuốc bằng thực phẩm chức năng hoặc sử dụng quá liều khuyến cáo.

Luôn tìm ẩn những nguy cơ về tác dụng phụ của TPCN mà hầu hết những tác dụng này chỉ được phát hiện khi bệnh nhân đang sử dụng. Có những TPCN có khả năng làm tăng nguy cơ chảy máu, hoặc thay đổi sự đáp ứng của cơ thể đối với thuốc gây mê nếu sử dụng trước khi phẫu thuật.

Có thể kể đến vài tương tác hay gặp giữa TPCN và thuốc như:

-  Vitamin K có thể làm giảm tác dụng của thuốc chống đông máu warfarin (Coumadin ®).

- Các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E có thể làm giảm tác dụng của liệu pháp hóa trị ở một số bệnh nhân ung thư.

Bên cạnh đó, việc bổ sung TPCN tùy ý có thể dẫn đến việc quá liều, gây ra hậu quả nghiêm trọng như:

- Quá liều vitamin A có thể dẫn đến đau đầu, tổn thương gan hay các dị tật bẩm sinh ở phụ nữ mang thai.

- Sử dụng beta carotene liều cao có liên quan đến tăng khả năng ung thư phổi ở người hút thuốc.

- Dư sắt có thể gây buồn nôn, ói mửa, thậm chí tổn thương gan và các cơ quan khác của cơ thể.

- Dư calci và vitamin D có thể gây sỏi thận.

- Liều cao vitamin E có thể dẫn đến đột quỵ do xuất huyết não.

- Dùng vitamin B6 liều cao trong thời gian một năm trở lên có ảnh hưởng đến hệ thần kinh, biểu hiện là không thể điều khiển cử động của cơ thể, các triệu chứng thông thường sẽ biến mất khi ngưng sử dụng.

Mức độ cần thiết sử dụng TPCN của mỗi người là khác nhau, việc sử dụng hay không và liều lượng, thời gian bao lâu là hợp lý đều cần có sự thăm khám, đánh giá và chỉ định từ bác sĩ hay sự tư vấn của dược sĩ.

Các đối tượng đặc biệt như phụ nữ có thai, cho con bú, trẻ em, người mắc nhiều bệnh nền, bệnh mãn tính đang điều trị với nhiều thuốc cùng lúc cần cực kỳ cẩn trọng, không nên sử dụng TPCN tùy ý hay theo kinh nghiệm truyền tai vì rất nhiều TPCN hiện nay vẫn chưa được chứng minh về tính an toàn cho các đối tượng trên.

Không có TPCN bổ sung vitamin, khoáng chất nào có thể tốt và thay thế được việc ăn uống cân bằng và đa dạng tất cả các nhóm thực phẩm.

3. Tác dụng phụ của một số vitamin

Vitamin là một trong những loại TPCN hay được sử dụng nhất. Tuy nhiên bổ sung như thế nào và trong thời gian bao lâu thì hầu hết người sử dụng lại không nghĩ đến việc tham vấn chuyên gia sức khỏe.

Một số tác dụng hay gặp ở vitamin có thể kể đến như sau:

* Nhóm vitamin tan trong dầu:

- Vitamin A (retinol, retinal, retinoic acid): buồn nôn, ói mửa, đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, dị tật bẩm sinh, vấn đề về gan, có thể gây loãng xương. Các tác dụng này có thể trầm trọng hơn ở những bệnh nhân có bệnh gan, cholesterol máu cao hoặc thiếu protein.

- Vitamin D (calciferol): buồn nôn, ói mửa, chán ăn, sụt cân, hoang mang, táo bón, vấn đề về nhịp tim, lắng đọng calci và phosphate tại mô mềm.

- Vitamin E và K: tương tác với thuốc chống kết tập tiểu cầu.

* Nhóm vitamin tan trong nước:

- Vitamin B3 (niacin): đỏ mặt, kích ứng dạ dày.

- Vitamin B6 (pyridoxine, pyridoxal, pyridoxamine): tổn thương thần kinh chi, gây tê, run rẩy và đau.

- Vitamin C (ascorbic acid): kích ứng dạ dày, sỏi thận, tăng hấp thu sắt có thể dẫn đến quá liều sắt.

- Folic acid (folate): liều cao, nhất là ở người già, có thể che dấu dấu hiệu thiếu hụt vitamin B12 gây tổn thương thần kinh.

4. Cần lưu ý gì khi sử dụng thực phẩm chức năng?

Trước khi sử dụng thực phẩm chức năng bạn cần tìm hiểu kỹ thành phần, nguồn gốc sản phẩm và trả lời các câu hỏi sau, để lựa chọn ra sản phẩm thực phẩm chức năng phù hợp nhất:

Bạn sử dụng thực phẩm chức năng với mục đích gì?
 
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều thực phẩm chức năng được bán ở nhiều dạng như dang viên, nước, bột. Mỗi loại có các công dụng khác nhau (trẻ hóa da, giảm cân, tăng cân…). Bạn cần phải biết rõ mục đích của mình sử dụng và hiểu rõ cơ thể mình đang gặp vấn đề gì để chọn được loại sản phẩm phù hợp. Xác định đúng mục đích mua, sản phẩm sẽ phát huy tốt các công dụng, mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe và nhan sắc.

Kiểm tra kỹ thành phần
 
Bạn cần đọc kỹ thông số và thành phần của thực phẩm chức năng. Do một số thành phần thuốc làm cơ thể bạn có thể bị dị ứng hoặc đang bị dư thừa. Chẳng hạn như vitamin nhóm B là các loại vi chất cần thiết giúp cơ thể tận thu nguồn năng lượng từ thực phẩm bạn thu nạp vào. Điều này sẽ rất có ý nghĩa với những người đang bị thiếu hụt hàm lượng vitamin B trong cơ thể. Nếu bạn nạp quá nhiều dẫn đến tình trạng thừa thì dễ dẫn đến các hệ lụy cho sức khỏe như giảm sút trí nhớ, tăng men gan,…

Không nên coi nhẹ nguồn gốc

Khi mua bất kì sản phẩm nào, bạn cũng nên quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt là trong thị trường thực phẩm chức năng bị làm giả và được bày bán tràn lan. Khi mua phải hàng kém chất lượng, bạn không chỉ phải chịu tổn thất về tài chính, nhu cầu chăm sóc bản thân không được đáp ứng mà còn phải gánh chịu nhiều hệ lụy nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe thậm chí là tính mạng của chính mình. Bạn nên lựa mua tại những đại lí, thương hiệu uy tín, có ghi rõ nguồn gốc, nơi sản xuất, khuyến cáo sử dụng và tiêu chuẩn chất lượng kèm theo.

Lưu ý: Khi mua bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào, cần nhớ xem xét kỹ nhãn bao bì và hướng dẫn sử dụng của thuốc. Bởi trong hướng dẫn sử dụng bao giờ cũng có những khuyến cáo với người dùng, như thuốc có dùng cho người bệnh tim, người đang mang thai, trẻ em hay ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần hay không. Bên cạnh đó, những loại thực phẩm chức năng phải đảm bảo không có phthalate, màu nhân tạo, hương liệu nhân tạo, đường hay chất làm ngọt nhân tạo, không có gluten, không sử dụng hormon, lactose, sử dụng thuốc trừ sâu hay thuốc diệt cỏ, không có chất bảo quản, không có men, các thành phần gây dị ứng (như đậu nành, đậu phộng, hạt cây…), thuốc không có các kim loại nặng như arsenic, cadmium, chì, thủy ngân, thuốc cũng được thử nghiệm đạt các tiêu chuẩn về an toàn.
Các bài viết khác
Công ty TNHH Plan Do See Việt Nam
© 2021. Bản quyền thuộc Plandosee.com.vn. Tất cả các quyền được bảo hộ. Thiết kế website bởi Tất Thành