Hệ miễn dịch như một lá chắn, có vai trò then chốt giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng từ bên ngoài, giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe, đặc biệt là trong bối cảnh các bệnh dịch và các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng. Có nhiều biện pháp tăng cường hệ miễn dịch, trong đó chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng.
Hệ miễn dịch như một lá chắn, có vai trò then chốt giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng từ bên ngoài, giúp người bệnh nhanh hồi phục sức khỏe, đặc biệt là trong bối cảnh các bệnh dịch và các bệnh không lây nhiễm ngày càng gia tăng.
Có nhiều biện pháp tăng cường hệ miễn dịch, trong đó chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng.
Chế độ dinh dưỡng giúp tăng cường miễn dịch
Những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh thì cơ thể ít nguy cơ bị bệnh hơn, nếu chẳng may bị bệnh cũng cũng nhẹ hơn. Hệ miễn dịch yếu khiến cơ thể dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, viêm phế quản, viêm phổi, viêm amidan, viêm mũi họng, tiêu chảy, lúc giao mùa dễ mắc các bệnh... Khi có một tác nhân bên ngoài tác động vào thì cơ thể không đủ sức chống lại các tác nhân đó, do vậy những người suy giảm miễn dịch thường dễ bị ốm hơn so với người khác.
Hệ miễn dịch yếu do kém ăn, ăn thiếu chất, hệ tiêu hóa không khỏe mạnh. Chế độ ăn nhiều đạm, nhiều protid cung cấp các acid amin thiết yếu tham gia vào xây dựng các tế bào, kháng thể miễn dịch cho cơ thể, sản xuất yếu tố đạm đặc hiệu interferon tiêu diệt các virus. Bên cạnh protein, một số chất khoáng quan trọng cũng tham gia phòng chống miễn dịch như selen, kẽm, iốt, sắt, vitamin A, C, D, E…
Bổ sung dinh dưỡng đúng cách sẽ giúp nâng cao hệ miễn dịch
Dinh dưỡng hợp lý và khoa học cung cấp đủ năng lượng, chất đạm, vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe. Do vậy, cơ thể sẽ hoạt động, tăng trưởng- phát triển và đảm bảo các chức năng tiêu hóa, tim mạch, hô hấp, miễn dịch, nội tiết, sinh dục,...
Các chất tăng cường hệ miễn dịch gồm chất đạm, vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, selen, sắt, kẽm, flavonoid, omega 3, probiotics,...
Chất đạm (protein)
Để tăng cường miễn dịch, cơ thể cần được bổ sung hàm lượng chất đạm cao. Đây là thành phần của các mô cấu tạo cơ thể, kháng thể, hồng cầu, nội tiết tố,... Do đó, chất này đóng vai trò nòng cốt cấu thành hệ thống miễn dịch. Chất đạm có từ nguồn động vật như các loại cá, thịt, hải sản, trứng, sữa.. và nguồn thực vật như nấm, đậu hủ, đậu đỗ, các loại hạt,...
Vitamin A và β-caroten
Hai thành phần này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự toàn vẹn của niêm mạc đường hô hấp và đường tiêu hóa. Một số thực phẩm giàu hàm lượng vitamin A và β-caroten như: gan động vật, lòng đỏ trứng, đu đủ, cà rốt, khoai lang, bí ngô, cam, xoài, gấc, bông cải xanh, rau cải bó xôi....
Vitamin C
Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch bằng cách tăng hấp thu chất sắt, tham gia cấu tạo mô liên kết, chống oxy hóa. Đồng thời, dưỡng chất này tham gia quá trình chuyển hóa- tổng hợp một số chất như catecholamin, hormon vỏ thượng thận, tăng tạo ra interferon, giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể. Thiếu vitamin C làm tăng nguy cơ suy giảm khả năng đề kháng, dễ bị nhiễm trùng.
Vitamin C có nhiều trong nhiều loại trái cây và rau tươi như: sơ ri, ổi, cam, quýt, bưởi, đu đủ, xoài, táo, nho, kiwi, cà chua, súp lơ, củ cải, rau ngót, ớt chuông, rau chân vịt...
Vitamin E
Cơ thể sẽ tăng cường khả năng hệ miễn dịch khi có đầy đủ hàm lượng vitamin E. Dưỡng chất này có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ vitamin A và chất béo của màng tế bào khỏi bị oxy hóa, tham gia vào chuyển hóa tế bào, làm gia tăng sức đề kháng của cơ thể.
Vitamin E có nhiều trong trong các loại hạt: hạt hướng dương/dầu hướng dương, hạt ô-liu/ dầu ô-liu, đậu nành/giá đỗ, vừng, đậu phộng, lúa mì, các loại rau có màu xanh đậm như rau mầm, rau chân vịt....
Vitamin D
Theo các nghiên cứu, vitamin D có liên quan đến các chức năng khác nhau của hệ thống miễn dịch như: tiêu hóa, tuần hoàn và thần kinh.
Vitamin D chủ yếu được tổng hợp trong da dưới tác động của ánh nắng mặt trời (chiếm khoảng 80%) và một phần từ chế độ ăn uống (khoảng 20%). Mỗi ngày cần tiếp xúc nắng sớm từ 15-30 phút, đồng thời tăng cường sử dụng các thực phẩm giàu vitamin D như gan cá/ dầu gan cá, lòng đỏ trứng, cá, hải sản và thực phẩm bổ sung vitamin D (sữa, ngũ cốc)...
Vitamin nhóm B
Các loại vitamin nhóm B tham gia vào quá trình chuyển hóa, tổng hợp các tế bào tham gia vào các cơ chế miễn dịch. Thực phẩm tăng cường miễn dịch giàu vitamin B như: cám gạo, ngũ cốc, các loại hạt đậu, mè, mầm lúa mì,...
Selen
Đây là một chất chống oxy hóa mạnh, giúp tăng cường khả năng chống nhiễm trùng cho cơ thể, tham gia kích hoạt một số enzyme trong hệ thống miễn dịch, giải độc. Selen có nhiều trong gạo lức, gạo mầm, cá, tôm, rong biển...
Sắt
Sắt cần thiết cho quá trình tổng hợp ADN và phân bào. Đồng thời, dưỡng chất này còn tham gia quá trình tạo máu.
Sắt có nhiều trong thịt đỏ, lòng đỏ trứng, gan, đạm nguồn động vật khác và một số thực phẩm nguồn thực vật như nấm mèo, nấm hương, rau dền đỏ, đậu tương,...
Kẽm
Kẽm giúp tăng cường miễn dịch, giúp vết thương mau lành, duy trì vị giác và khứu giác. Chất này tham gia vào hàng trăm enzym chuyển hóa trong cơ thể, giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ thống miễn dịch. Bạn có thể bổ sung kẽm thông qua các thực phẩm như: thịt, cá, hải sản đặc biệt các động vật có vỏ như: hàu, cua, sò....
Omega 3
Đây là acid béo thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được, có vai trò quan trọng trong chống viêm và cải thiện hệ miễn dịch. Thực phẩm tăng cường miễn dịch giàu omega 3 như: dầu cá, cá mòi, cá hồi, cá basa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu và một số loại hạt...
Flavonoid
Flavonoid cũng đóng vai trò quan trọng giúp tăng khả năng chống oxy hóa, có nhiều trong: các loại rau gia vị như các loại húng, tía tô, súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh, gừng, tỏi, nghệ, các loại rau lá màu xanh.
Lợi khuẩn (probiotics)
Đây là các vi sinh vật sống có lợi cho hệ miễn dịch, có trong các loại sữa chua, một số loại phô mai, đậu tương lên men (miso, natto)...
Để tăng cường hệ miễn dịch cần ăn đầy đủ và đa dạng các chất: đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng sữa, đậu phụ, đẫu đỗ...; chất béo trong mỡ động vật, dầu thực vật, các loại hạt có dầu...; tinh bột có trong cơm, khoai mì, các loại củ...; rau xanh quả chín. Nên ăn 15-20 loại thực phẩm mỗi ngày, ăn đa dạng các loại thực phẩm trong từng nhóm, bởi mỗi thực phẩm có thành phần dinh dưỡng khác nhau, do đó ăn đa dạng sẽ đầy đủ chất hơn. Các kháng sinh thực vật có nhiều trong các rau gia vị như nghệ, gừng, tỏi... có tác dụng kháng khuẩn, chống ôxy hóa rất tốt nên sử dụng hàng ngày trong các bữa ăn. Các vitamin A, C, D, E phải có đủ trong khẩu phần ăn, các khoáng chất sắt, kẽm, selen, mangan, canxi, iốt và một số vitamin nhóm B cũng cần có nhiều trong chế độ ăn. Bữa ăn cũng cần có một số thực phẩm lên men để giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hoặc bổ sung một số lợi khuẩn như probiotic ở các dạng khác nhau uống, gói, bột, nước; sữa chua, men sống cũng bổ sung các lợi khuẩn. Có thể bổ sung một gói đa vi chất với trẻ em và một viên đa vi chất đối với người trưởng thành mỗi ngày kèm theo các sản phẩm cung cấp lợi khuẩn, làm cho hệ miễn dịch khỏe mạnh. Bởi đường ruột khỏe mạnh đóng góp 80% hệ miễn dịch của cơ thể.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng lành mạnh, đa dạng, để có một hệ miễn dịch khỏe mạnh cần tránh stress, tăng cường tập luyện thể dục thể thao.
Để có một hệ miễn dịch khỏe mạnh cần ăn đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm.
Thế nào là bữa ăn lành mạnh?
Bữa ăn lành mạnh là bữa ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cân đối đầy đủ các nhóm chất đạm, béo, đường bột, rau xanh. Giảm thịt, tăng cường ăn cá, đậu phụ, rau xanh. Người lớn 400g rau xanh, 100-300g quả chín mỗi ngày. Nên ăn thành nhiều bữa trong ngày, người cao tuổi và trẻ em nên có thêm bữa ăn phụ để đảm bảo dinh dưỡng. Giảm bớt các món rán nướng ở nhiệt độ cao, vì ở nhiệt độ cao chất đạm và béo bị biến đổi không còn tốt cho sức khỏe tim mạch nữa.
Quan niệm bữa sáng ăn ít, bữa trưa ăn vừa, ăn nhiều vào tối là không đúng. Ăn nhiều vào bữa tối mà ít vận động, năng lượng không được tiêu hao dẫn đến dư thừa lâu dần tích lũy thành mỡ gây tăng cân từ đó kéo theo nhiều các bệnh khác như tim mạch, rối loạn mỡ máu, béo phì... Bữa sáng nên 20-30% tổng năng lượng khẩu phần, bữa trưa nên 35 - 40% năng lượng khẩu phần, bữa tối 30 - 35% tổng năng lượng khẩu phần. Nên ăn bữa tối càng sớm càng tốt.
Chế độ ăn cho một số bệnh
Các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, mỡ máu cao, ung thư… hay xảy ra ở người cao tuổi. Người cao tuổi chức năng của các cơ quan và hệ miễn dịch đã bị suy giảm khoảng 60%. Với các bệnh nhân này vẫn phải ăn đa dạng các loại thức ăn, tuy nhiên với từng bệnh cụ thể mà áp dụng chế độ dinh dưỡng khác nhau như bệnh nhân tăng huyết áp chế độ ăn giảm muối, tăng cường rau xanh (500g rau xanh mỗi ngày, giảm thịt, tăng cường cá, đậu đỗ, đậu phụ, uống nước chè xanh để giảm huyết áp, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao cũng giúp huyết áp ổn định hơn).
Với người mỡ máu cao ngoài nguyên tắc rau xanh, quả chín như bệnh nhân tăng huyết áp cần bổ sung các chất béo thiết yếu như omega 3, DHA giúp bình ổn mỡ máu, tăng cường chất xơ giúp đào thải bớt cholesterol dư thừa trong máu.
Với bệnh nhân tiểu đường chế độ ăn đảm bảo nguyên tắc không làm tăng đường máu sau ăn và không hạ đường máu khi xa bữa ăn. Ăn gạo lứt, gạo lật nảy mầm có nhiều chất xơ giúp đường máu ổn dịnh sau khi ăn, có thể bổ sung thêm chất xơ hòa tan giúp đường máu không tăng cao sau ăn tuy nhiên phải đảm bảo đủ các vitamin, khoáng chất theo nhóm tuổi, thiếu vitamin D và các vi chất dinh dưỡng cũng làm gia tăng rối loạn đường máu, nên chia nhỏ bữa ăn cho bệnh nhân tiểu đường.
Đối với chế độ ăn thực dưỡng nghiêng về rau xanh, đậu đỗ, củ quả nếu kéo dài sẽ dẫn tới thiếu các vi chất dinh dưỡng thiết yếu như sắt, kẽm… Do đó chỉ nên ăn chay bán phần, nên uống thêm sữa, ăn thêm trứng, bổ sung các chế phẩm đa vi chất dinh dưỡng để cơ thể đầy đủ chất dinh dưỡng hơn.